Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách sẽ là nhiệm vụ trọng tâm mà Cục Công nghiệp đặt ra trong năm 2023, bên cạnh việc triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất trong nước.
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023, ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, với sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương, các cơ quan trung ương và địa phương; cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Bước sang năm 2023, Cục Công nghiệp cho biết sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm tại Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, bao gồm tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như các hoạt động hỗ trợ khác nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.
Cụ thể, về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách:
Thứ nhất, chủ động xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trình Chính phủ trong quý II/2023;
Thứ hai, xây dựng một đạo luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp nền tảng: Trên cơ sở Tờ trình Chính phủ ngày 14/4/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến nhất trí với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Phát triển Công nghiệp, tuy nhiên, cần cân nhắc, xác định rõ về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Dựa trên ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bộ Công Thương đã tiếp thu và chỉnh sửa theo hướng thu gọn phạm vi thành xây dựng Luật Công nghiệp nền tảng. Dự kiến Hồ sơ sẽ được trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước 31/3/2023.
Thứ ba, do hệ thống pháp luật cần có thời gian xây dựng và hoàn thiện nên để đáp ứng công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ phát triển ngành, Cục sẽ xây dựng các chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững ngành dệt may – da giày giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp nối kết quả của năm 2022, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành sữa, chiến lược ngành ô tô và chiến lược ngành thép theo hướng công nghiệp xanh.
Về các giải pháp thúc đẩy sản xuất trong nước:
Thứ nhất, Cục Công nghiệp tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài như: Thép Thái nguyên – Giai đoạn 2; Thép Việt Trung và Nhà máy giấy phương nam, mỏ sắt Thạch Khê. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, đặc biệt các là các dự án liên quan đến khai thác, chế biến khoáng sản quy mô lớn, các dự án đầu tư mới, sản xuất thép tại Nam Định, Bình Định, Phú Yên.
Thứ hai, triển khai có hiệu quả quy hoạch khoáng sản nhằm huy động nguồn lực mới cho tăng trưởng, gia tăng năng lực sản xuất trong nước.
Thứ ba, triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.
Thứ tư, xây dựng cơ chế, tham mưu các chính sách đặt hàng sản xuất và chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa, đặc biệt là các cơ quan nhà nước, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước như EVN, PVN, Viettel, VNPT,… cần phải ưu tiên mua sắm, đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước;
Ngoài ra, Cục trưởng Trương Thanh Hoài cũng cho biết Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực tập trung đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò của các doanh nghiệp công nghiệp đầu tàu trong nước, doanh nghiệp FDI cũng như phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng để thúc đẩy liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích các dự án ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ.
Để hoàn thành các nhiệm vụ này, Cục Công nghiệp mong Chính phủ sớm thông qua chủ trương xây dựng Luật Công nghiệp nền tảng; sớm phê duyệt Quy hoạch khoáng sản và các quy hoạch khác nhằm tạo cơ sở thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghiệp, gia tăng năng lực sản xuất trong nước. Đồng thời, sớm phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Kết luận số 31-KL/TW ngày 7/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bô-xít – alumin – nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111 về phát triển Công nghiệp hỗ trợ;
Ngoài ra, hiện nay, dư địa để xây dựng chính sách vào phát triển công nghiệp không còn nhiều do Việt Nam phải tuân thủ các cam kết quốc tế, cũng như nguồn lực trong nước còn hạn chế. Vì vậy, việc tạo sự đồng thuận giữa các Bộ, ngành trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tính kịp thời và hiệu quả của chính sách.